Sản xuất nhựa sinh học từ rơm rạ

ANTD.VN – Theo thống kê của các nhà môi trường trên thế giới, từ năm 1950 đến nay, thế giới đã sản xuất ra khoảng gần 9 tỷ tấn nhựa. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 2 tỷ tấn nhựa được con người sử dụng, còn 7 tỷ tấn nhựa kia đang tồn tại dạng rác thải nhựa, rác tái chế, trong đó phải nói đến khối lượng rác khổng lồ chưa được xử lý đang nằm sâu trong lòng đất hay trên các đại dương. Dù đã có nhiều biện pháp, nhưng lượng rác thải nhựa không có xu hướng giảm đi

Rác thải nhựa đang giết chết dần các đại dương trên thế giới

Giải pháp mới được các nhà khoa học Anh đưa ra là sản xuất một loại nhựa sinh học từ rơm rạ, mùn cưa… đáp ứng được mọi yêu cầu của các loại nhựa thông dụng hiện nay. Tuy nhiên, nó lại rất an toàn, thân thiện với môi trường và phân hủy nhanh… đồng thời đánh dấu một bước ngoặt lớn trong công nghệ đời sống của cả nhân loại trong tương lai.

Nhựa sinh học làm từ… rơm rạ

Các nhà khoa học Anh đã mang lại một bước đột phá mới, thông qua một thủ thuật nhỏ trong phòng thí nghiệm. Đó là công trình nghiên cứu phát triển một loại nhựa sinh học vừa có đặc tính như những loại nhựa thông thường, vừa đảm bảo an toàn và thân thiện với môi trường, có thể dùng một hay nhiều lần. Theo đó, nhóm các nhà khoa học Anh đến từ Đại học Warwick và Đại học York (Anh) đã chỉnh sửa lại một số gene có trong rơm rạ, nhằm tăng tốc độ chuyển đổi xử lý thực vật thành chất liệu nhựa sinh học.

Theo tính toán của nhóm các nhà khoa học này thì chỉ cần 5% lượng rơm rạ hàng năm, hoặc chỉ 3% lượng bã mía sau khi sử dụng để lấy đường, thì họ có thể sản xuất được hàng tỷ chai nhựa để đựng nước uống (khoảng 17 tỷ chai). Cụ thể, các nhà khoa học Anh đã sản xuất nhựa sinh học từ chất lignin (chất gỗ), có thể là mùn cưa, một loại vật liệu tự nhiên mà chính nhờ đó nó giúp cho thân cây có thể đứng vững. Sau đó, họ tiếp tục chưng cất đường để hoàn thiện sản phẩm nhựa, thay vì việc dùng dầu hỏa (một loại nhiên liệu hóa thạch) để làm nhựa.

Kết quả cho thấy, các nhà khoa học đã thu được một loại nhựa mới vừa bền, nhưng lại có tốc độ phân hủy thần tốc, không như loại nhựa thông thường phải mất hàng chục năm, thậm chí hàng trăm năm vẫn chưa phân hủy được, gây ô nhiễm môi trường tự nhiên.

Tiện lợi và phân hủy nhanh

Hiệp hội Phát triển Khoa học Mỹ cảnh báo, tới năm 2050 chúng ta sẽ thải ra khoảng 13 tỷ tấn rác thải nhựa. Điều này là vô cùng độc hại. Trong khi việc tái chế chỉ dừng lại ở con số khiêm tốn, hay thậm chí nếu không được xử lý thận trọng sẽ lại một lần nữa trở thành một tác nhân khác gây ô nhiễm môi trường.

Do đó, việc tạo ra một loại có đầy đủ tính chất cần thiết như nhựa thông thường: bền, đẹp, chắc, lại phân hủy nhanh sẽ là một lợi thế cho các doanh nghiệp cũng như cải thiện môi trường sống của nhân loại, bảo vệ hành tinh xanh của chúng ta. Bên cạnh đó, các nhà khoa học Anh cũng chỉnh sửa gene của vi khuẩn Rhodococcus jostii, một loại vi khuẩn sinh sống trong lòng đất có nhiệm vụ phân hủy chất gỗ lignin rất nhanh.

“Khoảng 50.000 tấn chai nhựa sinh học là có thể đáp ứng việc thay thế toàn bộ 50% toàn bộ các loại chai nhựa hiện đang được sử dụng trên toàn lãnh thổ Vương quốc Anh. Phát minh này sẽ tạo ra một loại nhựa thế hệ mới, thay thế hoàn toàn những đồ vật bằng nhựa cũ được sản xuất từ trước tới nay”, Giáo sư Simon McQueen-Mason thuộc Đại học York cho biết. Hy vọng, sản phẩm này được đưa vào đời sống thực tiễn sẽ không còn bao xa nữa, để hành tinh chúng ta mãi xanh, cuộc sống không còn lo bộn bề bởi những rác thải nhựa vây quanh.

Theo: hiệp hội nhựa Việt Nam