Ninh Bình: Xưởng tái chế nhựa giữa khu dân cư “hành dân” đến… “ngộp thở”!

Bị xử phạt, yêu cầu đóng cửa và di dời ra khỏi khu dân cư nhưng đến nay xưởng tái chế và sản xuất đồ nhựa giữa khu dân cư ở xã Yên Quang, huyện Nho Quan vẫn hoạt động bình thường. Mỗi khi cơ sở này sản xuất, người dân sống xung quanh lại bị “hành” đến… “ngộp thở”.

Dân bị “hành” đến… “ngộp thở”

   Như báo Dân trí đã phản ánh, hơn chục năm qua, người dân thôn Yên Ninh, xã Yên Quang, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình luôn phải sống trong “khổ sở” vì thường xuyên bị xưởng tái chế, sản xuất dép nhựa và ủng của hộ ông Hoàng Văn Mãn nằm giữa thôn “tra tấn”.

Xưởng tái chế, chế biến nhựa của hộ ông Mãn (mái tôn màu xanh) vẫn “án ngữ” giữa khu dân cư “hành dân” thời gian qua.

Kể từ khi cơ sở tái chế và sản xuất đồ nhựa của gia đình ông Mãn đi vào hoạt động, người dân trong thôn luôn thường trực nỗi lo về bệnh tật, sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trong vì bị “hành” bởi tiếng ồn, ô nhiễm không khí và nguồn nước từ xưởng tái chế nhựa này thải ra “đầu độc” khu dân cư.

Cuối năm 2017, báo Dân trí phản ánh, chính quyền huyện Nho Quan đã có động thái tích cực kiểm tra, xử phạt, yêu cầu đóng cửa và di dời xưởng tái chế nhựa này ra khỏi khu dân cư để đảm bảo sức khỏe cho người dân địa phương. Tuy nhiên, từ đó đến nay, xưởng sản xuất của gia đình ông Mãn vẫn hoạt động bình thường như chưa hề có động thái nào từ cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, thách thức quy định của pháp luật.

Thường xuyên phải sống trong môi trường ô nhiễm, đe dọa nặng nề đến sức khỏe cũng như đời sống, người dân thôn Yên Ninh đã quá bức xúc trước việc “làm ngơ” các quy định pháp luật của hộ ông Mãn cũng như nghi ngờ sự “buông lỏng” của cấp chính quyền địa phương từ xã lên huyện.

Cuộc sống của gia đình anh Lung cùng nhiều hộ dân khác bị đảo lộn vì thường xuyên bị “tra tấn” bởi mùi nhựa tái chế, mùi chất hóa học phát ra từ xưởng chế biến nhựa của gia đình ông Mãn nằm ở giữa thôn.

Ngày 30/7, PV Dân trí trở lại thôn Yên Ninh để ghi nhận cuộc sống thực tại của người dân nơi đây khi hàng ngày vẫn đang còn phải sống bên xưởng tái chế, chế biến đồ nhựa thường xuyên nhả khí độc gây ô nhiễm. Anh Hoàng Văn Lung bức xúc: “Hạn chót chính quyền địa phương đưa ra đến 30/6/2018, xưởng của gia đình ông Mãn phải đóng cửa, di dời đi nơi khác, đến nay qua thời gian một tháng rồi nhưng chúng tôi thấy xưởng vẫn “án binh bất động”, sản xuất bình thường như chưa có chuyện gì xảy ra”.

Trở lại câu chuyện gia đình mình cùng những hộ dân sống cạnh cơ sở sản xuất này thời gian qua liên tục bị “hành”, anh Lung bức xúc: “Sau khi bị xử phạt, ông Mãn còn sản xuất nhiều hơn trước kia, mùi khét lẹt, tanh nồng nặc muỗi lúc thải ra còn “ngộp thở” hơn trước. Sau mỗi giờ đi làm về, vợ chồng con cái trong gia đình tôi chỉ mong có giây phút nghỉ ngơi nhưng nào được. Mùi nhựa từ xưởng bốc ra thở còn khó nói gì đến nghỉ ngơi. Ở nhà mà phải thường xuyên đóng cửa, cuộc sống bị đảo lộn”.

Anh Lung dẫn chứng, dù đóng cửa ở trong nhà nhưng những thành viên trong gia đình anh luôn phải dự trữ sẵn khẩu trang để mỗi khi mùi nồng nặc bay đến lấy khẩu trang để bịt mũi lại, chẳng may hít phải khí độc lại buồn nôn chóng mặt, ăn không ngon, ngủ không yên.

Xưởng tái chế, sản xuất đồ nhựa của gia đình ông Mãn nằm giữa khu dân cư, “hành dân” hơn 10 năm qua.

“Xưởng tái chế này chưa chuyển ra khỏi khu dân cư thì gia đình tôi cùng hàng chục hộ dân của thôn luôn phải sống trong lo âu. Người già, trẻ em chưa biết bị “hành” đến bao giờ. Bố đẻ tôi đang mắc ung thư, con nhỏ mới 4 tuổi cũng phải sống chung với ô nhiễm, chưa biết khi nào mới hết cảnh này” – anh Lung bức xúc nói.

Lời khẩn cầu của hàng trăm hộ dân

Không chỉ gia đình anh Lung mà chục hộ dân sống ngay cạnh xưởng tái chế, sản xuất đồ nhựa của gia đình ông Mãn và hàng trăm hộ dân khác trong thôn Yên Ninh cũng đã có lời “khẩn cầu” đến cấp chính quyền địa phương, yêu cầu di dời ngay cơ sở sản xuất này ra khu dân cư để người dân được sống trong bầu không khí trong lành.

Anh Đặng Văn Nhung, Trưởng thôn Yên Ninh chia sẻ, thôn có 377 hộ với trên 1.200 nhân khẩu, xưởng tái chế, chế biến đồ nhựa của gia đình ông Mãn nằm ở giữa thôn. Mỗi khi xưởng này xả mùi thì cả thôn lĩnh đủ. Thời gian qua, người dân liên tục phản ánh, kiến nghị lên xã, huyện yêu cầu phải di dời cơ sở sản xuất ra ngoài khu dân cư, đại diện thôn cũng đã nhiều lần làm việc với cơ quan chức năng của huyện và nêu rõ quan điểm ý kiến của người dân “không đánh đổi kinh tế lấy môi trường sống”.

Bên trong xưởng tái chế nhựa nhìn qua ô cửa.

“Không hiểu lý do gì đến nay các ngành chức năng vẫn chưa thực hiện theo nguyện vọng của dân. Mặt khác, hộ ông Mãn cũng không tuân thủ theo các quy định của pháp luật, nhất là tôn trọng ý kiến chính đáng của hàng trăm hộ dân trong thôn mà vẫn vô tư sản xuất khiến người dân rất bức xúc” – anh Nhung nói.

Theo phản ánh của người dân thôn Yên Ninh, không chỉ hàng ngày họ phải sống chung với mùi khét lẹt, tanh nồng nặc, ô nhiễm nước và tiếng ồn phát ra từ xưởng tái chế của hộ ông Mãn, mà còn canh cánh nỗi lo, sống trong bầu không khí ô nhiễm này chẳng mấy chốc phát bệnh ung thư mà chết. Người dân viện dẫn, hơn chục năm qua, từ khi xưởng tái chế nhà ông Mãn hoạt động đã có gần chục người dân sống quanh xưởng đột nhiên phát bệnh ung thư rồi chết.

“Nguyên nhân bị ung thư của nhiều người dân không thể khẳng định có do xưởng tái chế nhựa nhà ông Mãn hay không, nhưng về mặt tư tưởng, người dân luôn canh cánh nỗi lo bệnh tật là đúng, bởi đa số người mắc ung thư đã chết đều ở những hộ gia đình sống gần xưởng sản xuất nhà ông Mãn, những người này đều mắc ung thư phổi, thực quản, vòng họng, dạ dày..” – anh Nhung nói.

Gia đình anh Lung cùng hàng trăm hộ dân khác chưa biết bị xưởng tái chế nhựa 10 năm giữa khu dân cư “hành” đến “ngộp thở” đến bao giờ mới thôi.

Người dân thôn Yên Ninh mong muốn báo Dân trí tiếp tục phản ánh để chính quyền sớm di dời xưởng tái chế này ra khỏi khu dân cư sớm ngày nào hay ngày đó. “Sống trong bầu không khí bị ô nhiễm hơn chục năm nay chúng tôi chịu hết nổi rồi. Muốn sống để được thở bầu không khí trong lành mà bị xưởng chế biến này “hành” chưa biết bao giờ mới thôi” – một người dân nói.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Theo: Hiệp hội nhựa Việt Nam